Lịch sử hành chính tỉnh Tiền Giang
Tiền Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, được hình thành từ năm 1976 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Định Tường (vốn do chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập, nhưng phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau là Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cũng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn gọi tên cũ là tỉnh Mỹ Tho) và Gò Công (vốn do thực dân Pháp thành lập).
Năm 1975
Ban đầu, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn duy trì tên gọi của ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho cho đến đầu năm 1976. Trong đó, tỉnh lỵ tỉnh Mỹ Tho đặt tại thị trấn Cai Lậy (trực thuộc huyện Cai Lậy), tỉnh lỵ tỉnh Gò Công đặt tại thị xã Gò Công; còn thành phố Mỹ Tho đóng vai trò là trung tâm đầu não của cả Khu 8 (còn gọi là Khu Trung Nam Bộ).
Năm 1976
Ngày 24 tháng 2 năm 1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho hợp nhất thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Tiền Giang.
Ngày 1 tháng 3 năm 1976, tỉnh Tiền Giang chính thức đi vào hoạt động cho đến tận ngày nay.
Khi hợp nhất, tỉnh Tiền Giang có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và 5 huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Mỹ Tho.
Năm 1977: Quyết định 77-CP
Quyết định 77-CP ngày 26 tháng 03 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ về việc chuyển thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang thành thị trấn Gò Công huyện Gò Công cùng tỉnh.
Năm 1979: Quyết định 152-CP
Quyết định 152-CP ngày 12 tháng 04 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Quyết định 155-CP ngày 13 tháng 4 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về việc chia huyện Gò Công tỉnh Tiền Giang thành huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây.
Năm 1987: Quyết định 23-HĐBT
Quyết định 23-HĐBT ngày 13 tháng 02 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập thị trấn Tân Hòa thuộc huyện Gò Công Đông. Nay giải thể xã Tân Hoà của huyện Gò Công Đông thuộc tỉnh Tiền Giang để thành lập thị trấn Tân Hoà (thị trấn huyện lỵ huyện Gò Công Đông).
Quyết định 37-HĐBT ngày 16 tháng 02 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Thành lập thị xã Gò Công trên cơ sở thị trấn Gò Công, một phần diện tích, dân số của xã Tân Đông; một phần diện tích, dân số của xã Bình Nghị với tổng diện tích tự nhiên 2.207 hécta cùng 40.115 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông, một phần diện tích, dân số của xã Yên Luông; một phần diện tích, dân số của xã Thành Công với tổng diện tích tự nhiên 893 hécta với 7.843 nhân khẩu của huyện Gò Công Tây.
Năm 1990: Quyết định số 521-TCCP
Quyết định số 521-TCCP ngày 23 tháng 11 năm 1990 của Ban Tổ chức Chính phủ về việc thành lập xã thuộc huyện Cái Bè.
Thành lập xã Mỹ Tân thuộc huyện Cái Bè trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã Mỹ Trung, Mỹ Lợi B, Mỹ Đức Tây và nông trường Ngô Văn Nhạc.
Năm 1992
Ngày 9 tháng 3 năm 1992, thành lập xã Phú Tân thuộc huyện Gò Công Đông trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phú Đông.
Năm 1994: Nghị định 69-CP
Nghị định 69-CP ngày 23 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ thành lập một số phường thuộc thị xã Gò Công.
Nghị định 68-CP ngày 11 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang.
Thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở diện tích tự nhiên 10.634,72 hécta (trong đó có 580 hécta giao lại cho Long An), nhân khẩu 5.698 của huyện Cai Lậy (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Hòa Tây) và diện tích tự nhiên 23.486,53 hécta (trong đó có 550,81 hécta giao cho tỉnh Long An), nhân khẩu 36.333 của huyện Châu Thành (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Phú Mỹ, Tân Lập và Tân Hòa Thành).
Huyện Cai Lậy còn lại 40.893,66 hécta diện tích tự nhiên và 314.243 nhân khẩu; gồm 28 đơn vị hành chính là các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Tân Phong, Long Trung, Hội Xuân, Hiệp Đức, Long Tiên, Mỹ Long, Phú Quý, Long Khánh, Cẩm Sơn, Phú An, Nhị Quý, Nhị Mỹ, Thanh Hoà, Bình Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam và thị trấn Cai Lậy.
Huyện Châu Thành còn lại 25.376,03 hécta diện tích tự nhiên và 243.880 nhân khẩu, gồm 24 đơn vị hành chính là các xã Phú Phong, Kim Sơn, Song Thuận, Bàn Long, Vĩnh Kim, Bình Trưng, Hữu Đạo, Đông Hoà, Long Hưng, Dưỡng Điềm, Điềm Hy, Nhị Bình, Long Định, Tam Hiệp, Phước Thạnh, Thạnh Phú, Bình Đức, Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Tân Hội Đông, Tân Hương, Long An và thị trấn Tân Hiệp.
Năm 2002: Nghị định 07/2002/NĐ-CP
Nghị định 07/2002/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2002 về việc thành lập xã thuộc huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Năm 2005: Quyết định 248/2005/QĐ-TTg
Quyết định Quyết định 248/2005/QĐ-TTg ngày 07 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại II.
Năm 2008: Nghị định 09/2008/NĐ-CP
Nghị định 09/2008/NĐ-CP[10] ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang:
Điều chỉnh 6.410,28 ha diện tích tự nhiên và 39.949 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Bình Đông, Bình Xuân và Tân Trung); 580,72 ha diện tích tự nhiên và 2.238 nhân khẩu của xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây về thị xã Gò Công quản lý.
Điều chỉnh 580,72 ha diện tích tự nhiên và 2.238 nhân khẩu (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây được điều chỉnh về thị xã Gò Công) về xã Bình Xuân thuộc thị xã Gò Công quản lý.
Xã Bình Xuân thuộc thị xã Gò Công có 2.786,41 ha diện tích tự nhiên và 14.561 nhân khẩu.
Thị xã Gò Công có 10.198,48 ha diện tích tự nhiên và 97.709 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5 và các xã: Long Hoà, Long Thuận, Long Hưng, Long Chánh, Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân.
Thành lập huyện Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở điều chỉnh 8.632,88 ha diện tích tự nhiên và 33.296 nhân khẩu của huyện Gò Công Tây (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Tân Thạnh); 11.575,43 ha diện tích tự nhiên và 9.630 nhân khẩu của huyện Gò Công Đông (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phú Đông và xã Phú Tân).
Huyện Tân Phú Đông có 20.208,31 ha diện tích tự nhiên và 42.926 nhân khẩu, có 6 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Phú Đông, Phú Tân, Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh và Phú Thạnh.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông.
Huyện Gò Công Đông còn lại 26.768,16 ha diện tích tự nhiên và 143.418 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Vàm Láng, Tân Đông, Tân Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Phước Trung, Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước, Tân Thành, Tân Điền, Tăng Hoà và thị trấn Tân Hoà.
Huyện Gò Công Tây còn lại 18.017,34 ha diện tích tự nhiên và 134.768 nhân khẩu, có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Yên Luông, Thành Công, Đồng Sơn, Bình Phú, Long Vĩnh, Bình Nhì, Thạnh Trị, Đồng Thạnh, Bình Tân, Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu, Long Bình và thị trấn Vĩnh Bình.
Xã Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây còn lại 810,52 ha diện tích tự nhiên và 4.514 nhân khẩu.
Tỉnh Tiền Giang có 248.177,21 ha diện tích tự nhiên và 1.707.432 nhân khẩu, có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho.
Năm 2009: Nghị quyết số 28/NQ-CP
Nghị quyết số 28/NQ-CP[11] ngày 29 tháng 06 năm 2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 2.585,77 ha diện tích tự nhiên và 24.440 nhân khẩu của huyện Châu Thành (bao gồm toàn bộ 1.211,64 ha diện tích tự nhiên và 5.505 nhân khẩu của xã Thới Sơn; 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh; 356,53 ha diện tích tự nhiên và 6.830 nhân khẩu của xã Bình Đức) và 709,51 ha diện tích tự nhiên và 6.917 nhân khẩu của huyện Chợ Gạo (bao gồm 502,33 ha diện tích tự nhiên và 4.986 nhân khẩu của xã Lương Hòa Lạc; 207,18 ha diện tích tự nhiên và 1.931 nhân khẩu của xã Song Bình) về thành phố Mỹ Tho quản lý.
Thành phố Mỹ Tho có 8.154,08 ha diện tích tự nhiên và 204.142 nhân khẩu.
Thành lập xã Phước Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phước Thạnh thuộc huyện Châu Thành điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho)
Xã Phước Thạnh có 1.017,60 ha diện tích tự nhiên và 12.105 nhân khẩu.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo:
Thành phố Mỹ Tho có 8.154,08 ha diện tích tự nhiên và 204.142 nhân khẩu, có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, phường Tân Long và các xã: Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, Trung An, Mỹ Phong, Phước Thạnh, Thới Sơn.
Huyện Châu Thành còn lại 22.991,09 ha diện tích tự nhiên và 234.423 nhân khẩu, có 23 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị trấn Tân Hiệp và các xã: Tân Hội Đông, Tân Hương, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Điềm Hy, Nhị Bình, Dưỡng Điềm, Đông Hòa, Hữu Đạo, Long An, Long Hưng, Bình Trưng, Thạnh Phú, Bàn Long, Vĩnh Kim, Bình Đức, Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong, Long Định.
Huyện Chợ Gạo còn lại 22.943,39 ha diện tích tự nhiên và 183.241 nhân khẩu, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị trấn Chợ Gạo và các xã: Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Hòa Định, Xuân Đông, Long Bình Điền, Song Bình, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Trung Hòa, Hòa Tịnh.
Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập thị trấn Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập thị trấn, huyện Gò Công Đông có 26.768,16 ha diện tích tự nhiên và 143.418 nhân khẩu; có 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các thị trấn: Tân Hòa, Vàm Láng và các xã: Tân Điền, Tăng Hòa, Phước Trung, Bình Ân, Tân Đông, Bình Nghị, Gia Thuận, Kiểng Phước, Tân Phước, Tân Thành, Tân Tây.
Năm 2013: Nghị quyết số 130/NQ-CP
Nghị quyết số 130/NQ-CP[13] ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang:
Thành lập thị xã Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở điều chỉnh 14.018,95 ha diện tích tự nhiên và 123.775 nhân khẩu của huyện Cai Lậy, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị trấn Cai Lậy và các xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Bình, Tân Hội, Nhị Mỹ, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy.
Thị xã Cai Lậy có 14.018,95 ha diện tích tự nhiên và 123.775 nhân khẩu; có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường Nhị Mỹ và các xã Tân Bình, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Hội, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh.
Huyện Cai Lậy còn lại 29.599,37 ha diện tích tự nhiên và 186.583 nhân khẩu; có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm các xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Bình Phú, Cẩm Sơn, Phú An, Mỹ Long, Long Tiên, Hiệp Đức, Long Trung, Hội Xuân, Tân Phong, Tam Bình và Ngũ Hiệp.
Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và các huyện: Cái Bè, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy và Tân Phú Đông.
Năm 2014: Nghị quyết số 50/NQ-CP
Nghị quyết số 50/NQ-CP[14] ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường thuộc thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các phường thuộc thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho có 8.154,08 ha diện tích tự nhiên và 270.700 nhân khẩu, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, Bình Tạo, Tân Long, Thạnh Mỹ và các xã: Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Phước Thạnh, Tân Mỹ Chánh, Thới Sơn, Trung An.
Thị xã Gò Công có 10.198,48 ha diện tích tự nhiên và 97.709 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, Long Hoà, Long Thuận, Long Hưng, Long Chánh và các xã: Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân.
Huyện Cai Lậy còn lại 29.599,37 ha diện tích tự nhiên và 186.583 nhân khẩu; có 16 đơn vị hành chính gồm các xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Phú Cường, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Cẩm Sơn, Phú An, Mỹ Long, Long Tiên, Hiệp Đức, Long Trung, Hội Xuân, Tân Phong, Tam Bình, Ngũ Hiệp và thị trấn Bình Phú.
Năm 2016: Quyết định 242/QĐ-TTg
Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.