Background Patterns

Color Scheme

Tiền Giang là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử

Thứ năm - 09/11/2017 | Lượt xem: 5173

Đờn ca Tài tử Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian.

Theo nhiều tài liệu, nghệ thuật Đờn ca Tài tử (ĐCTT) Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian. ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, mang dấu ấn thời mở cõi đất phương Nam, và theo thời gian, nghệ thuật ĐCTT phát triển vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa mang tính dân gian, tài tử. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng nghệ thuật ĐCTT vẫn khẳng định giá trị của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ.

Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Đờn ca Tài tử Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian. Ảnh: sưu tầm.

Vì vậy, từ năm 2010, được sự cho phép của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã lập Hồ sơ khoa học “Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ” đệ trình và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày ngày 5-12-2013.

Việc Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này, nó chứng tỏ sức sống văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy giao lưu vào văn hóa thế giới.

Tiền Giang là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, là mảnh đất sinh sôi của phong trào ĐCTT vào những năm đầu của thế kỷ 20, là cái nôi của sân khấu cải lương Nam Bộ. Mảnh đất này đã sản sinh ra những danh cầm, những diễn viên mà tiếng đờn, giọng ca của họ đã trở thành bất tử trong giới mộ điệu.

Vào thời nhà Nguyễn ở Chợ Giữa (nay thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), Tiến sĩ Phan Hiển Đạo làm Đốc học Định Tường, là người đã đem nhạc Cung đình Huế về vùng Vĩnh Kim truyền bá. Sau thế hệ Phan Hiển Đạo, tại Chợ Giữa có gia đình ông Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm, Trần Ngọc Viện, Trần Văn Triều là những người giỏi nhạc tài tử (ông Trần Văn Triều là người sáng tác ra dây Tố lan). Tại Tha La (nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) có gia đình ông Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Tri Lạc, Nguyễn Tri Khương cũng là gia đình nhạc tài tử.

Tại Cái Thia (nay thuộc xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) vào khoảng năm 1900 có ông Nguyễn Tống Triều cũng là một nhạc sư tài danh, nguyên là học trò của dòng nhạc ở Vĩnh Kim. Ở Gò Công cũng có ban tài tử Huỳnh Đình Điển. Năm 1906, ông Nguyễn Tống Triều và ông Huỳnh Đình Điển dẫn 2 ban nhạc của tỉnh Gò Công và Mỹ Tho sang Pháp trình diễn tại Hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille. Khoảng năm 1915, chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở chợ Sài Gòn xuống Mỹ Tho rước ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều lên phục vụ. Đêm nào có ban tài tử trình diễn, nhà hàng thu được lượng khách khá lớn.

Đờn ca Tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013.
Đờn ca Tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Ảnh: sưu tầm.

Mang trên mình truyền thống âm nhạc ấy, từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào Đờn ca Tài tử ở tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm qua đã được khơi dậy mạnh mẽ bằng các cuộc hội thi, liên hoan, thi sáng tác, tập huấn, giao lưu Đờn ca Tài tử ở các cấp…Các hoạt động này đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này của Nam Bộ, làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.

Để bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT của tỉnh, từ năm 2012 Sở VHTTDL Tiền Giang đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca Tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 -2015”, và Đề án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Từ đầu năm 2013, Sở VHTTDL đã triển khai thực hiện nhiều nội dung của Đề án như: tổ chức cuộc thi “Sáng tác lời mới bài bản Tài tử và bài ca vọng cổ”; thực hiện đĩa CD “Cung bậc sông Tiền”; tổ chức biểu diễn giao lưu ĐCTT - Cải lương định kỳ vào tối ngày 20 hàng tháng tại Rạp hát Tiền Giang; mở các lớp tập huấn lớp ĐCTT; tổ chức tọa đàm nghệ thuật ĐCTT; liên hoan ĐCTT cấp tỉnh; xuất bản các tập bài ca về ĐCTT để phục vụ phong trào.

Đờn ca tài tử Nam Bộ
Đờn ca Tài tử ngày nay được biểu diễn nhiều trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân Nam Bộ. Ảnh: sưu tầm.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT của tỉnh, Sở VHTTDL Tiền Giang đã trình UBND tỉnh Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2020” và được UBND tỉnh phê duyệt, hiện Sở VHTTDL Tiền Giang đang triển khai thực hiện nhiều nội dung của Đề án.

Với nội lực của phong trào, tỉnh Tiền Giang đang thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về ĐCTT; đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị của di sản văn hóa ĐCTT sâu rộng trong cộng đồng; tôn vinh - khen thưởng những nghệ nhân có nhiều công lao bảo tồn nghệ thuật ĐCTT tại các địa phương; phát huy loại hình nghệ thuật này của tỉnh phát triển một cách bền vững.

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

BÌNH LUẬN

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

  Những tin mới hơn

  Những tin cũ hơn

© Bản quyền thuộc về Tin tức Tiền Giang 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây